Thâm hụt ngân sách Việt Nam trong những năm gần đây luôn ở mức cao, khoảng 5% GDP, và kéo dài qua nhiều năm. Chương trình nghị sự của các kỳ họp Quốc hội hầu như đều có mục bàn về ngân sách và các thảo luận về thâm hụt Ngân sách (bội chi Ngân sách) luôn là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của các đại biểu cũng như hầu hết các tầng lớp xã hội. Các biện pháp nhằm cân bằng ngân sách như các chính sách tăng thu và giảm chi, rà xoát danh mục và nâng cao hiệu quả chi ngân sách luôn là vấn những vấn đề gây tranh cãi của các nhà lập pháp, giới khoa học và các tầng lớp dân cư.
Năm 2018, sắc thuế mới về bất động sản được Bộ Tài chính soạn thảo, đưa ra lấy ý kiến của các giới chuyên môn cũng như các tầng lớp dân cư đang nhận được nhiều phản biện khác nhau, thậm chí rất gay gắt. Việc nâng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, với mục đích chính là tăng thu ngân sách, đang gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ các những người tiêu dùng cuối cùng. Năm 2018 cũng đánh dấu bằng sự phản ứng mạnh mẽ của xã hội về các khoản chi ngân sách không hợp lý và thiếu hiệu quả. Đầu tư công kém hiệu quả bằng việc nêu tên 12 dự án đầu tư[1], với số vốn đầu tư lên đến 63,6 nghìn tỷ đồng và có số lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là 18,7 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu chi ngân sách quá lớn cho chi thường xuyên, chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách, cũng luôn là một điểm yếu quan trọng trong việc xây dựng một nền tài chính công lành mạnh. Việc duy trì một bộ máy quản lý cồng kềnh là nguyên nhân chính khiến cho chi thường xuyên của Ngân sách nhà nước vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế.
Ngân sách nhà nước cân bằng và ổn định là mục tiêu vốn có của bất kỳ một nhà nước nào trong nền kinh tế thị trường. Một bộ máy chính phủ gọn nhẹ, hoạt động đúng các chức năng quản lý nhà nước có hiệu quả luôn là mục tiêu của các nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Chính sách tài chính, cơ sở hình thành Ngân sách nhà nước, cần xây dựng trên các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.Việc rà soát chính sách tài chính và thực thi Ngân sách nhà nước cần thực hiện một cách khoa học và thực tiễn. Bằng việc xem xét lại luật Ngân sách, danh mục Ngân sách nhà nước và quy trình xây dựng và thực hiện Ngân sách Nhà nước có thể đưa ra những gợi ý chính sách thích hợp.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang hoàn thiện các cơ chế của một nền kinh tế thị trường, xây dựng ngân sách Nhà nước theo các chuẩn mực chung là một yêu cầu cấp thiết. Các nghiên cứu về thâm hụt ngân sách Nhà nước của Việt Nam có khá nhiều. Tuy nhiên,các nghiên cứu này chưa tiếp cận vấn đề một cách tổng thể dựa trên lăng kính của một nền kinh tế thị trường theo các điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm đưa ra một phân tích tổng thể về hiện trạng thâm hụt ngân sách của Việt Nam và đề xuất các giải pháp tiến tới cân bằng và ổn định ngân sách Nhà nước của Việt Nam.
[1]12 dự án thua lỗ thuộc ngành công thương bao gồm: nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình; nhà máy Đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.