Trong những năm gần đây, những tiến bộ vượt bậc về khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các khái niệm Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), fintech, blockchaintác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực trong đời sống xã hội cũng như thói quen và hành vi của con người, trong đó có hoạt động ngân hàng.Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đem lại nhiều cơ hội cho ngành Ngân hàng như: ứng dụng công nghệ quản trị thông minh và tự động hóa trong nghiệp vụ, đẩy nhanh tiến trình hướng tới mô hình chuẩn trong tương lai, trong đó có hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ có mạng máy tính, các thị trường tài chính trên thế giới được kết nối thành một thị trường thống nhất và hoạt động liên tục, khắc phục được hạn chế về không gian và thời gian, giúp giảm chi phí, tạo điều kiện cho các giao dịch ngân hàng quốc tế được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng. Ngoài ra khoa học phân tích và quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng có nhiều thuận lợi nhờ việc xây dựng được những trung tâm dữ liệu lớn (big data). Việc thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu lớn sẽ tạo ra những tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định phù hợp và nhanh hơn, giảm được chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh; nhất là tạo thuận lợi cho công tác dự báo, thống kê về hoạt động tiền tệ - ngân hàng. Nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính của hệ thống ngân hàng được hình thành như M-POS, Internet banking, Mobile Banking, công nghệ thẻ chip, ví điện tử…; tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm được chi phí giao dịch. Tuy nhiên, CMCN 4.0 cũng tạo ra một số thách thức đối với với lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là về vấn đề an ninh, bảo mật, đào tạo nhân lực, cơ sở pháp lý.
Theo Báo cáo về xu hướng thanh toán do Tập đoàn Tài chính JP Morgan Chase phát hành trong năm 2017, ví điện tử và thanh toán di động sẽ là bước phát triển tất yếu của thế giới. Trong khi thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới với giá trị chi tiêu của người dân chiếm tới hơn 90% tổng số giao dịch hằng ngày, có tới hơn 90% giao dịch tại Việt Nam còn thanh toán bằng tiền mặt và khách hàng, người tiêu dùng thích trả tiền mặt khi nhận hàng hơn thanh toán trực tuyến.Tỷ lệ tiền mặt trong tổng lượng tiền của nền kinh tế chỉ chiếm khoảng 7,7% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng Euro vào năm 2016, tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng qua mobile 33%, dịch vụ ngân hàng qua internet là 59,4%, tỷ lệ khách hàng dùng mạng xã hội để giao dịch ngân hàng là 11% và khách hàng đến chi nhánh ngân hàng giao dịch là 13% (2016). Với 3,4 tỷ người (46%) dân số toàn cầu đang sử dụng internet với tốc độ tăng trưởng sử dụng internet 16%/năm, xu hướng khách hàng sử dụng ngân hàng số sẽ ngày càng gia tăng (Báo cáo Ngân hàng bán lẻ thế giới 2016). Việt Nam có gần 50 triệu người sử dụng mạng internet (2016), chiếm 52% dân số, và có đến 44% khách hàng của các ngân hàng Việt đang sử dụng dịch vụ ngân hàng số (mobile/internet banking). Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, các giải pháp e-banking tại Việt Nam vẫn còn những nhược điểm như phí giao dịch cao, lỗi giao diện còn xảy ra khá thường xuyên và dịch vụ chăm sóc khách hàng dành cho các giao dịch ngân hàng trực tuyến vẫn chưa thực sự làm hài lòng khách hàng, vấn đề bảo mật, an ninh mạng càng cần được quan tâm khi Việt Nam là một trong 20 quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất từ nhiều vụ tấn công mạng, khi có trên 10 nghìn vụ tấn công mạng xảy ra năm 2017, trong đó gần 50% xảy ra tại ngành tài chính ngân hàng, và trên 40% website tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng bảo mật có thể bị xâm nhập.
Như vậy, trong bối cảnh tiến bộ về công nghệ như hiện nay đã đem lại những cơ hội và thách thức cho ngành dịch vụ ngân hàng thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng như thế nào? Những vấn đề cần lưu ý để định hướng phát triển ngành ngân hàng Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển và hoạt động hiệu quả của ngành này?