Sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh hội nhập: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Đề tài cơ sở

ThS. Nguyễn Thị Vân Hà

Trung tâm Phân tích và Dự báo

... - ...

Giới thiệu nội dung:

Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 95% số lượng các doanh nghiệp trên cả nước, với hơn 51% tổng số lao động làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp trên 40% GDP và 30% nguồn ngân sách nhà nước[1]. Những con số trên cho thấy vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, đến năm 2017 Quốc hội mới thống nhất và cho ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với các ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về thuế, ưu đãi về mặt bằng, ưu đãi về chế độ kế toán đơn giản, nhận hỗ trợ công nghệ, mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; cũng như hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Việc ra đời Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng sản xuất, từng bước tham gia vào các chuỗi sản xuất cung ứng và tiến tới là hội nhập quốc tế sâu rộng.

Hội nhập là xu hướng mà tất cả các quốc gia đều đã và đang hướng đến để phát huy các sở trường sức mạnh của nhau nhằm xây dựng được các khối liên kết vững chắc cùng phát triển cả về mọi mặt. Hội nhập quốc tế mang lại những lợi ích to lớn cho các quốc gia, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển khi còn thiếu về vốn, về công nghệ nhưng lại có nguồn lao động khá dồi dào tiếp cận được hững quốc gia phát triển có thế mạnh về vốn, về công nghệ nhưng thiếu hụt nhân công cho sản xuất. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hội nhập mang lại những cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất phù hợp với năng lực của loại hình doanh nghiệp này, hay tạo ra những cơ hội tiếp cận với công nghệ mới. Bên cạnh những lợi ích kể trên thì hội nhập quốc tế cũng mang lại những thách thức không nhỏ về khả năng cạnh tranh quốc tế, về khả năng tiếp cận và ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào phục vụ sản xuất, quản lý của doanh nghiệp.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, rất cần nguồn lực về vốn và công nghệ để phát triển và với 95% số doanh nghiệp của nền kinh tế là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc thúc đẩy và phát triển các doanh nghiệp này sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế. Do đó, cần thực hiện nghiên cứu sự phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế từ kinh nghiệm thành công ở một số quốc gia rút ra được một số bài học kinh nghiệm cho bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng như cho việc xây dựng và ban hành các chính sách của nhà nước



[1]https://viettinlaw.com/chinh-sach-uu-dai-cho-doanh-nghiep-vua-va-nho-nam-2018.html